Đặc điểm về thị trường, sản phẩm và khách hàng của ngành
Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hoá học, những chế phẩm sinh học được sử dụng trong nông nghiệp để bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hại của những sinh vật gây hại. Theo nghĩa rộng, thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các nhóm chính: (1) thuốc trừ sâu, (2) thuốc trừ bệnh, (3) thuốc trừ cỏ dại, (4) chế phẩm điều hoà sinh trưởng, (5) Phân bón lá và (6) thuốc trừ động vật gây hại. Do khí hậu nước ta là nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ cao kéo dài trong năm nên thường tạo thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, thường phát triển thành dịch rộng và có thể gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Vì vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất nông nghiệp.
Mức độ tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật hàng năm phụ thuộc vào diện tích đất cho nông nghiệp, loại cây trồng, mức độ thâm canh tăng vụ, diễn biến dịch bệnh theo từng mùa vụ (nếu thời tiết diễn biến thuận lợi, ít sâu bệnh hoặc có những giống cây mới kháng được sâu bệnh tốt hơn thì nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm). Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật khó có thể tăng do diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm.
Hiệu quả sử dụng thuốc phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật sử dụng, nồng độ sử dụng, điều kiện thời tiết và thời điểm sử dụng. Do đó, bao bì sản phẩm đóng vai trò quan trọng truyền tải những thông tin hướng dẫn đến người sử dụng sản phẩm. Do người nông dân năng lực về kỹ thuật còn hạn chế nên để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả thì các công ty trong ngành đều chú trọng trong việc phát triển dịch vụ tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân.
Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nhiều loại hoá chất có ảnh hưởng nguy hại tới sức khoẻ con người, do đó, các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các hoá chất sử dụng để sản xuất các loại thuốc này. Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng xây dựng nền nông nghiệp xanh, thân thiện với con người và môi trường, các công ty đang có xu hướng đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các loại thảo dược, hoá chất vi sinh thân thiện với môi trường và con người, thay thế dần các nguyên liệu độc hại trong việc sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Khách hàng của ngành là các nhà nông. Do sự đa dạng của sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và do hạn chế trong khả năng thẩm định kỹ thuật, người nông dân khi quyết định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ dựa trên kinh nghiệm từng sử dụng, sự tư vấn từ các chuyên gia, các đại lý bán hàng và những người thân quen. Thiệt hại do sâu bệnh gây ra với cây trồng là rất lớn, do đó, khi mua sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, khách hàng thường nhấn mạnh đến chất lượng của sản phẩm trước so với yếu tố giá cả. Những sản phẩm có hiệu lực tốt và ổn định thường tạo nên sự trung thành của khách hàng và giúp khác biệt hoá cho sản phẩm.
Nhà cung cấp của ngành
Các doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn chỉ tập trung vào phân phối sản phẩm ngoại nhập hoặc gia công đóng gói, chiết chai các hoá chất được nhập khẩu. Do phần lớn các hoá chất dùng để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được nên phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu. Do đó, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng lớn của biến động tỷ giá hối đoái. Hoạt động thu mua của ngành có tính kinh tế nhờ quy mô. Các công ty quy mô lớn trong ngành do quy mô mua hàng lớn, thường nhận được các ưu đãi lớn từ nhà cung cấp nước ngoài về giá cả và thời gian bán chịu. Các nhà cung cấp của ngành rất đa dạng, phần lớn là những tập đoàn có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực hoá chất như: DuPont Việt Nam (Công ty con của Tập đoàn Dupont – Hoa kỳ), Syngenta (Thuỵ sĩ), Itochu (Nhật Bản), Sumitomo (Nhật Bản), Starland (Hồng Kông), Changzhou (Trung Quốc)…
Mức độ đầu tư cho marketing và kênh phân phối đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh
Những công ty có tiềm lực trong ngành đều lựa chọn việc đầu tư cho mua quyền sử dụng đất để đặt chi nhánh và kho hàng, nhằm chủ động trong hoạt động phân phối và tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Những công ty có dòng sản phẩm rộng (ví dụ, thuốc bảo vệ thực vật kết hợp phân bón, giống) cho phép chia sẻ kênh phân phối, sử dụng hiệu quả diện tích kho hàng và giúp cho kênh phân phối hoạt động hiệu quả.
Mức độ phủ rộng của kênh phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh trong ngành. Những công ty có hệ thống đại lý phân phối nhỏ thường không cung ứng đủ sản phẩm cần thiết làm cho người nông dân phải chuyển sang mua sản phẩm của công ty khác. Điều này dẫn đến nguy cơ bị mất thị phần khi bước sang các vụ tiếp theo.
Để dành lợi thế cạnh tranh, đầu tư nguồn lực về vốn cho marketing và bán hàng rất cao, bao gồm các khoản chi như: trang bị xe tải vận chuyển, đầu tư mặt bằng kho hàng, chi phí cho quảng cáo, xúc tiến bán hàng, các chương trình hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân…. nhằm gia tăng mức độ phủ rộng của kênh phân phối. Tính kinh tế nhờ quy mô thể hiện rõ trong khâu marketing và bán hàng. Những công ty có doanh số lớn sẽ giúp giảm chi phí marketing và bán hàng trên mỗi đơn vị sản phẩm tiêu thụ và đem lại lợi thế chi phí lớn.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng: Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ các tập đoàn hoá chất trên thế giới, các công ty đều nỗ lực nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng và tăng dần tỷ trọng doanh số từ những mặt hàng mang thương hiệu riêng của mình.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh
Các công ty trong ngành thường chú trọng hợp tác với các trường đại học và các viện nghiên cứu nông nghiệp trong việc chế tạo các loại thuốc bảo vệ thực vật mới hoặc phổ biến kỹ thuật cho người nông dân. Hướng nghiên cứu thường tập trung vào các sản phẩm mới theo hướng thân thiện với con người và môi trường, thay thế dần những hoá chất độc hại và góp phần vào giảm giá thành sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng thường đòi hỏi vốn đầu tư đáng kể như: đầu tư mặt bằng cho nghiên cứu thử nghiệm, chi phí phát triển các sản phẩm mới… Đây cũng là hoạt động có tính kinh tế nhờ quy mô. Những công ty có doanh số bán hàng lớn sẽ giúp giảm chi phí nghiên cứu và phát triển trên mỗi đơn vị sản phẩm tiêu thụ và đem lại lợi thế chi phí lớn. Trong khi đó, khâu sản xuất không thể hiện rõ tính kinh tế nhờ quy mô bởi vì chủ yếu là hoạt động gia công và không đòi hỏi đầu tư lớn về máy móc thiết bị sản xuất.
Tình hình cạnh tranh trong ngành
Theo bản cáo bạch của Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ, thị trường thuốc bảo vệ thực vật có 142 công ty bao gồm: 5 công ty đa quốc gia nước ngoài, 4 doanh nghiệp nhà nước, 14 công ty cổ phần và 117 công ty TNHH, thêm vào đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc. Trong đó, công ty đang nắm thị phần lớn nhất trong ngành, thuộc khu vực FDI là Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Syngenta của Thuỵ sĩ, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp dẫn đầu ngành là Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang với thị phần khoảng 26%.
Do số lượng doanh nghiệp đông đảo, dòng sản phẩm và đối tượng khách hàng trong ngành là tương đồng nhau (người nông dân) do đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành rất mãnh liệt. Các doanh nghiệp trong ngành đều đầu tư mạnh cho việc phủ rộng kênh phân phối, gia tăng mật độ các đại lý cấp 1, cấp 2, các hoạt động marketing và các chương trình hỗ trợ người nông dân.
Hàng rào gia nhập thấp khiến cho số lượng công ty trong ngành tăng và ở mức cao trong những năm qua, khiến cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng. Ví dụ, năm 2011, Sự gia nhập của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón và lúa gạo nhằm tận dụng tối đa kênh phân phối hiện có, với tiềm lực tài chính mạnh cho lĩnh vực sẽ làm cho cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt hơn. Công ty này đã góp vốn thành lập công ty con là Công ty cổ phần Nông dược TSC với vốn điều lệ 90 tỷ đồng trong đó, Công ty đã góp vốn 51.575 triệu đ, chiếm 57,31% vốn điều lệ.
Mối tương quan giữa các đối thủ cạnh tranh
Mặc dù có ngành kinh doanh chủ lực là thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành có danh mục sản phẩm tổng thể khác nhau. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong ngành như CTCP Thuốc sát trùng Cần Thơ, do tiềm lực tài chính còn hạn chế nên chủ yếu tập trung cho sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, những công ty mạnh trong ngành phần lớn đều đa dạng hoá các dòng sản phẩm nhằm phát huy tính kinh tế nhờ quy mô của kênh phân phối và hoạt động thu mua cũng như duy trì đà tăng trưởng.
Do mức độ tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật khó có thể tăng vì diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm, do đó, để giải quyết bài toán tăng trưởng nhiều doanh nghiệp trong ngành mở rộng xuất khẩu (trước mắt là những thị trường Campuchia và Lào) và đa dạng hoá dòng sản phẩm nhằm phát huy hiệu quả tối đa của kênh phân phối. Xu hướng phổ biến của các công ty là mở rộng sang kinh doanh giống cây trồng (ví dụ, Bảo vệ Thực vật An Giang, Nông dược HAI, Bảo vệ thực vật Sài Gòn) hoặc kinh doanh dịch vụ khử trùng (Công ty Khử trùng Việt Nam, Bảo vệ Thực vật Sài Gòn). Riêng lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu, do những rào cản gia nhập lớn (quy định của chính phủ về điều kiện gia nhập đã được nâng lên đáng kể) nên chỉ những công ty lớn như Bảo vệ Thực vật An Giang hay Công ty thuốc sát trùng Việt Nam mới đủ tiềm lực đầu tư để gia nhập ngành. Đây là sự đa dạng hoá rất hợp lý nhằm tạo ra sự tích hợp dọc trong chuỗi giá trị, tiến tới cung cấp các giải pháp trọn gói: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản và tiêu thụ nông sản, từ đó tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao.
Những công ty lớn nhất của ngành thu được tỷ suất lợi nhuận cao nhất
Những công ty lớn nhất của ngành thu được tỷ suất lợi nhuận cao nhất cho thấy ngành có tính kinh tế nhờ quy mô. Tính kinh tế nhờ quy mô này không thể hiện rõ ràng trong khâu sản xuất, mà thể hiện rõ trong khâu thu mua, marketing và bán hàng cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, thiết lập được dòng sản phẩm rộng, đầu tư mạnh cho hoạt động marketing và bán hàng, nghiên cứu và phát triển, có lợi thế quy mô lớn trong các hoạt động và thị phần lớn nên đã đem lại một kết quả kinh doanh rất tốt ngay cả trong bối cảnh khó khăn của năm 2011. Trong năm 2011, Công ty này đạt lợi nhuận sau thuế 427 tỷ đồng, từ đó, đưa đến một tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu ROE rất cao 35%.
Các công ty lớn khác trong ngành mặc dù không đạt được tỷ suất lợi nhuận cao như người dẫn đầu, tuy nhiên, kết quả kinh doanh cũng khả quan. Ví dụ, công ty lớn thứ hai trong mẫu là CTCP Khử trùng Việt Nam trong năm qua cũng đã đạt lợi nhuận sau thuế 95 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu đạt 19%.
|