|
|
Tin tức - Sự kiện » Tin khuyến nông |
|
|
|
|
Một loại dịch hại mới trên cây có múi - 07/07/2012 |
|
Huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có diện tích vườn cây ăn trái gần 14.000 ha, trong đó diện tích cây có múi chiếm khoảng 6.500 ha với hai loại chính là bưởi Năm Roi và cam sành. Từ tháng 10/2011 trên địa bàn xuất hiện một loài sâu mới...
|
|
Hai loài gây hại trên trái phổ biến là sâu đục vỏ trái (Prays endocarpa, thuộc họ Yponomeutidae, bộ Lepidoptera) và nhiều loài bướm chích hút trái cam thuộc họ Ngài Đêm (Noctuidae), bộ Lepidoptera. Hai loài dịch hại trên nhà vườn đã có kinh nghiệm quản lý nên chúng gây thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, từ tháng 10/2011 trên địa bàn xuất hiện một loại sâu mới, theo sự định danh của PGS.TS. Nguyễn Văn Huỳnh thì loài sâu này có tên khoa học là Citripestis sagittiferella thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Sâu lây lan nhanh. Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, có vườn bị thiệt hại năng suất đến 70% vì chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả.
Dưới sự tư vấn và giúp đỡ của PGS.TS. Nguyễn Văn Huỳnh thuộc bộ môn bảo vệ thực vật Trường đại học Cần Thơ; Phòng NN & PTNT huyện Kế Sách đã khảo sát bước đầu về đặc điểm hình thái và cách gây hại của loài sâu mới này cho kết quả như sau: sâu non có màu cam hồng, sâu đẫy sức có màu nâu hồng đến đỏ nâu với đầu màu nâu sậm, dài hơn 20 mm, sâu làm nhộng trong đất.
Sâu bắt đầu gây hại trên trái khi trái bưởi đạt kích thước bằng nắm tay đến lúc thu hoạch; trên cam, sâu gây hại khi đậu trái khoảng 1 - 1,5 tháng trở đi. Sâu đục các đường hầm vào vỏ trái rồi ăn dần vào trong múi. Vết đục của sâu mở đường cho nấm bệnh xâm nhập làm trái bị thối và rụng. Đối với trái bưởi ở tháng tuổi thứ 6 trở đi, giòi đục trái xâm nhập theo vết đục của sâu làm cho trái bị hư thối và rụng nhanh hơn. Tất cả các trái bưởi, cam có sâu gây hại đều bị rụng nên làm thất thu năng suất rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo trong các trang web EOL - Encyclopedia of life và Plantwise thì loài sâu đục trái cây có múi Citripestis sagittiferella được Moore mô tả lần đầu vào năm 1891; còn có tên khác là Nephopteryx sagittiferella Moore. Loài sâu đục trái này được tìm thấy ở Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Từ năm 1993, loài sâu này từ loại dịch hại thứ yếu trở thành loại dịch hại quan trọng và phổ biến ở Malaysia. Ở Việt Nam, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huỳnh, chưa thấy có báo cáo chính thức về sự xuất hiện và gây hại của loài sâu này.
Theo trang web Plantwise, ký chủ của sâu đục trái trên cây có múi gồm chanh (Citrus aurantiifolia); chanh núm (Citrus limon); bưởi (Citrus maxima); quýt hồng (Citrus reticulata); cam ngọt (Citrus sinensis); bưởi chùm - grapefruit - (Citrus x paradisi)...
Từ một số kết quả khảo sát ban đầu, chúng tôi đề xuất giải pháp phòng trừ tạm thời như sau:
- Vệ sinh vườn thật kỹ (làm sạch cỏ để hạn chế nơi sâu làm nhộng trong đất; thu gom và hủy trái bị sâu để diệt sâu).
- Định kỳ vào các con nước ròng tưới tràn ngập vườn trong nửa ngày để diệt nhộng.
- Bao trái sau khi trái đậu khoảng 1 tháng.
- Phun một trong các loại thuốc có khả năng thấm sâu tốt Fenobucarb + Phenthoate và Dimethoate + Esfenvalerate; hoặc Carbaryl hay Fenthion khi sâu mới xuất hiện. Chú ý phải bảo đảm thời gian cách ly của từng loại thuốc để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. |
VŨ BÁ QUAN |
Theo Báo Khoa Học Phổ Thông |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|