|
|
Để cánh đồng mẫu lớn thật sự lớn - 17/07/2012 |
|
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, qua 2 vụ triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho người nông dân. Để CĐML thực sự lớn, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành rà soát các điều kiện xây dựng kế hoạch thực hiện CĐML phù hợp với quy hoạch vùng; đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ qua đó thắt chặt hơn nữa mối liên kết “4 nhà” … |
|
Năng suất, lợi nhuận tăng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tại các địa phương thực hiện mô hình CĐML, hiện doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa đang tích cực thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 50-250 đồng/kg. Ông Lâm Minh Trí, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hiện tại, Công ty Cổ phần Gentraco mua lúa khô cho nông dân ở CĐML xã Thạnh Phú, với giá 7.100-7.350 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 150-200 đồng/kg. Công ty TNHH Trung An thu mua lúa tươi cho nông dân xã Thới Xuân theo giá thỏa thuận. Giá thu mua đợt 1 là 6.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 200-250 đồng/kg; đợt 2 có giá 5.750 đồng/kg cao 100-200 đồng/kg so với giá thị trường. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ phương tiện vận chuyển thu gom lúa, cho nông dân gửi lúa tại kho không tính lãi chờ giá bán...”.
Vụ đông xuân 2011-2012, nông dân tham gia CĐML quy mô 400ha (trong đó có 63ha sản xuất theo quy trình VietGAP) tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục thắng lớn. Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, năng suất lúa tại CĐML đạt 7,78 tấn/ha, cao hơn 4,63% so với ngoài mô hình; giá thành sản xuất lúa chỉ khoảng 3.166 đồng/kg, thấp hơn ngoài mô hình 466 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi nói: “Tham gia CĐML nông dân xuống giống đồng loạt, chỉ sử dụng một loại giống Jasmine 85, khâu cơ giới hóa được thực hiện đồng bộ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, nhân nuôi và sử dụng nấm xanh để quản lý sâu rầy... Vì vậy, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 2-4 lần/vụ, năng suất tăng 4,6% (360kg/ha) so với nông dân sản xuất ngoài mô hình, lợi nhuận trong CĐML tăng khoảng 4,8 triệu đồng/ha”.
CĐML ở xã Đông Bình và xã Trường Thành huyện Thới Lai thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3-2012, năng suất đạt 8 tấn/ha, cao hơn 0,38 tấn/ha so với năng suất bình quân toàn huyện. Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: “Hiện tiến độ thu mua lúa trên các CĐML ở huyện Thới Lai đã đạt 70%. Riêng CĐML ở xã Đông Bình, mặc dù đây là vụ đầu tiên công ty tham gia bao tiêu nhưng ý thức tổ chức của người nông dân rất cao. Điều đáng quan tâm, 100% nông dân tuân thủ hợp đồng và bán lúa cho công ty”. Như vậy, sản xuất lúa trong CĐML đã bước đầu được thực hiện theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Chậm nhưng phải chắc!
Qua 2 vụ thực hiện thí điểm (hè thu 2011) và nhân rộng (đông xuân 2011-2012), CĐML đã giải quyết căn bản những “nút thắt” trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Do đó, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ xác định tiếp tục mở rộng CĐML trong vụ hè thu 2012 và những năm tiếp theo. Tại Hội nghị “Sơ kết xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa CĐML theo hướng VietGAP vụ đông xuân 2011-2012”, do Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: Với năng suất đạt khoảng 8 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 30 triệu đồng/ha, vào loại cao nhất thế giới hiện nay, hiệu quả mà CĐML mang lại đã được chứng minh. Vấn đề còn lại, để nhân rộng và phát triển CĐML bền vững, đáp ứng yêu cầu sản xuất của nền nông nghiệp hiện đại, Đảng và Nhà nước cần đề ra cơ chế, chính sách đầu tư một cách đồng bộ (vốn, đất đai...) cũng như những chính sách đón đầu phù hợp.
Vụ đông xuân 2011-2012, TP Cần Thơ triển khai 9 mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML), quy mô trên 1.830ha (huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt). Đến nay, lúa đông xuân tại các CĐML cơ bản thu hoạch xong, năng suất từ 7,78-8 tấn/ha, giá thành sản xuất từ 2.558-3.166 đồng/kg lúa. So với lúa trồng ngoài mô hình, sản xuất lúa trong CĐML giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 4,8-5,3 triệu đồng/ha. |
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, toàn bộ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xuất khẩu lúa gạo của ĐBSCL là quy trình ngược. Và thực hiện CĐML, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp là “chìa khóa” để kiến thiết lại quy trình này theo đúng trật tự vốn có. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, nói: “Tiềm năng và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Nhiều doanh nghiệp chưa xác định được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu. Điều này được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp tham gia vào CĐML còn rất hạn chế. Một số doanh nghiệp bao tiêu lúa vẫn chưa vạch ra được tiêu chí thu mua, giá cả chưa có sự minh bạch... Do vậy, mô hình CĐML phải được triển khai từng bước, theo một lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc thù từng vùng, tránh chủ quan, nóng vội...”. Xuất phát từ thực trạng trên, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào CĐML, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hệ thống lò sấy, kho bãi, xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu nhằm giải quyết tốt việc thu mua lúa tươi cho nông dân.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tập trung nâng cấp hệ thống thủy lợi, gia cố đê bao, xây dựng trạm bơm điện... tại các địa phương triển khai mô hình CĐML. Ngoài ra, thành phố từng bước hoàn chỉnh hệ thống khung trục từ kênh chính đến nội đồng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa tập trung, phù hợp với quy hoạch vùng nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu...”. PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh, đề xuất: “Trong khi năng suất, sản lượng đã đạt đến ngưỡng, chúng ta phải chứng minh được CĐML là biện pháp tối ưu, khai thác triệt để tiềm năng năng suất và hạ giá thành sản xuất lúa đến mức thấp nhất. Chẳng hạn, áp dụng phương pháp sạ thưa, sạ hàng (80-100 kg/ha) người nông dân không những chỉ tiết kiệm được giống, mà số hạt chắc trên bông có thể tăng lên 80 hạt/bông thay vì 50 hạt/bông như hiện nay, từ đó năng suất có thể tăng thêm khoảng 1 tấn/ha”.
Qua thực tế làm ăn với nông dân, bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, chia sẻ: “CĐML là mô hình sản xuất khá mới mẻ gồm nhiều thành phần tham gia nên đòi hỏi sự đồng thuận cao. Thực hiện mô hình là quá trình rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện nội dung và phương pháp tổ chức cho các mô hình tiếp theo. Trong đó, vai trò của người tổ trưởng Tổ hợp tác phải được phát huy, bởi tiếng nói của họ rất quan trọng trong việc tập hợp nhiều nông dân nhỏ lẻ”.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: CĐML phải đặt lợi ích của nông dân lên trước tiên. Do đó, ngành nông nghiệp phải vạch ra lộ trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để nông dân tin tưởng và tự nguyện tham gia. Song song đó, CĐML phải được thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay.
|
Theo báo cần thơ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|