|
|
Hồ tiêu Việt Nam hút hàng tại Mỹ, Đức - 17/07/2012 |
|
Dù Việt Nam đang cung cấp trên 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, theo quy luật có thể chi phối về giá nhưng giá xK bình quân luôn thấp hơn so với Ấn Độ từ 200 – 400 USD/tấn. Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam luôn có bước tăng trưởng tốt. Năm 2011, giá tiêu xuất khẩu bình quân chỉ đạt 5.900 USD/tấn thì 6 tháng đã tăng gần 1.000 USD, đứng ở mốc 6.800 USD/tấn. |
|
Trong 3 tháng đầu năm 2012, tiêu Việt Nam có bước tăng trưởng tốt cả về sản lượng lẫn giá trị. Nếu như tháng 2 sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 8.630 tấn với giá trị 58,3 triệu USD, đến tháng 3 sản lượng đã tăng gần 120%, giá trị cũng đạt 129 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ tháng 4 trở đi sản lượng xuất khẩu bắt đầu lao dốc mạnh, đến tháng 6 chỉ còn 9.522 tấn, đã kéo giá trị xuất khẩu 65,1 triệu USD, giảm 43% về lượng và 42% về giá trị so với tháng 4. Tính chung 6 tháng đầu năm sản lượng xuất khẩu toàn ngành đạt 69.163 tấn, đạt giá trị 471 triệu USD, giảm 0,7% về lượng nhưng lại tăng 25,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2011.
Giá tiêu kỳ hạn giao sau giao dịch trên thị trường thế giới đầu tháng 7 đã đi xuống. Trên sàn Kochi – Ấn Độ, phiên giao dịch ngày 11/7/2012, kỳ hạn tháng 10/2012 giảm 410 rupi, đây là mức giảm mạnh nhất trong các kỳ hạn đã kéo giá giao dịch về mức 43.300 rupi/tạ (tương đương 786,6 USD). Giá tiêu trong nước cũng đã giảm theo. Tại Gia Lai đã giảm 1.000 đồng/kg chỉ còn 121.000 đồng/kg; Bà Rịa - Vũng Tàu 124.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; tại Bình Phước giảm 1.000 đồng/kg chỉ còn 123.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó 2 phiên liên tiếp giá tiêu đã bật lại. Phiên giao dịch ngày 13/7/2012, giá giao ngay đã tăng 97,8 rupi/tạ chốt ở mức 41.453 rupi/tạ. Ngoài ra kỳ hạn giao tháng 9/2012 là 43.390 rupi/tạ, tăng 220 rupi/tạ so với phiên trước đó. Tín hiệu tích cực này đã ngăn được đà giảm giá thu mua tiêu trong nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá tiêu đầu tháng 7 đi xuống do Indonesia và Malaysia được mùa tiêu và đưa ra thịtrường vào đầu tháng 7 làm cho lượng cung tăng lên. Tuy nhiên, theo Tổ chức hạt tiêu thế giới (IPC) giá tiêu dài hạn khó giảm do nhu cầu thế giới vẫn tăng, dự báo năm 2012 tăng khoảng 2%, đạt xấp xỉ 250 ngàn tấn.
Mặc dù Việt Nam đang cung cấp trên 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, theo quy luật có thể chi phối về giá. Nhưng giá xuất khẩu bình quân luôn thấp hơn so với Ấn Độ – quốc gia chỉ sản xuất bằng 1/3 so với Việt Nam (gần 50 ngàn tấn) khoảng 200 – 400 USD/tấn tùy kỳ hạn. Tuy nhiên, tại một số thị trường như Mỹ, Đức giá tiêu Việt Nam ngang ngửa, thậm chí cao hơn cả “đối thủ”. Giá tiêu xuất khẩu vào Đức tháng 6 đạt kỷ lục 7.560 USD/tấn. Trong khi hầu hết các thị trường khác sản lượng và kim ngạch tháng 6 đều giảm so với tháng 5, thị trường Đức vẫn tăng tới 42% về lượng và 37% giá trị. Nếu so với cùng kỳ sản lượng tăng 5% nhưng giá trị tăng tới 33%. Xếp sau Đức là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất (13% giá trị), giá cũng tăng tới 27% đứng ở mức 7.260 USD/tấn cho dù sản lượng xuất khẩu tháng 6 có giảm so với tháng 5.
Sở dĩ giá tiêu Việt Nam luôn thấp hơn các nước khác do công nghệ chế biến bảo quản kém đã làm giảm giá xuất khẩu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia xuất khẩu tiêu đã nhập tiêu thô về chế biến rồi bán giá cao, điển hình như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia hàng năm vẫn nhập khẩu tiêu của Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ nhập nhiều nhất, 6 tháng đầu năm đã nhập 4.680 tấn với kim ngạch 30,9 triệu USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các DN trong nước cứ mải mê về số lượng mà không chú trọng tới chất lượng khâu bảo quản, chế biến thì tương lai sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu và nếu xuất được thường phải chịu thua thiệt về giá do các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguy hại hơn nữa là ảnh hưởng đến thương hiệu tiêu quốc gia trên thị trường quốc tế. |
Thụy Dương |
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam |
|
|
|
|
|
|
|
|
|