|
|
Thoát nghèo nhờ hành lá - 29/09/2012 |
|
Tân Bình, 1 xã được chọn xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015 của huyện Bình Tân. Nhiều hộ dân ở đây đang khấm khá lên nhờ cây hành lá. Nhiều năm qua cây hành đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân. |
|
Hành lá là loại gia vị, không thể thiếu trong các bửa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời, hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng...
Nhiều bà con nông dân ở Tân Bình cho biết, trồng hành lá cho thu nhập khá và gần như trở thành nghề truyền thống ở địa phương này. Tuy nhiên, trồng hành cũng tốn rất nhiều công sức và tiền vốn đầu tư. Diện tích đất canh tác không nhiều, trung bình 2 công/hộ. Mỗi vụ hành trên dưới 3 tháng (cả khâu làm đất) và thu hoạch khoảng 35 tạ/công. Nói về kỹ thuật trồng hành thì nhiều ND cho biết đã được thuộc lòng “bài “của TS Trần Thị Ba - GV khoa Nông nghiệp ĐHCT như:
* GIỐNG: Có nhiều giống hành:
+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, nhưng dễ nhiễm bệnh vàng lá.
+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, thị trường rất ưa chuộng.
+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.
Các giống này đều có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ, sinh trưởng tương đương nhau.
- Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.
- Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 180-240 kg hành giống/1000 m2.
- Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo.
* THỜI VỤ: hành lá có thể được trồng quanh năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa thì bệnh khô đầu lá.
* Chuẩn bị đất: đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5, nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp. Đất cần được phơi ải.. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và dễ chăm sóc. 3 ngày trước trồng dùng Mocap để xử lý đất (1kg /1000 m2 ). Cần tủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng.
* KHOẢNG CÁCH TRỒNG: Hàng cách hàng và cây cách cây: 20 x 10 cm.
* PHÂN BÓN: phân hữu cơ hoai mục 1-2 tấn + 30 kg tro + 12,5 kg urea, 28 kg super lân, 8 kg kali cho 1.000 m2. Tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên hành.
Bón lót: 1-2 tấn phân chuồng hoai + 30 kg tro + 28 kg super lân + 5 kg kali
Bón thúc: Cần hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen.Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.
Nếu không bón lân có thể bón thúc như sau:
+ Lần 1 (7 NST): 4,5 kg urea
+ Lần 2 (14 NST): 14 kg DAP + 1,5 kg KCl
+ Lần 3 (21 NST): 19 kg NPK 16-16-8 + 1,5 kg KCl
+ Lần 4 (28 NST): 17 kg DAP + 2,5 kg KCl
+ Lần 5 (nếu có, 35 NST): 4,5 kg urea.
Không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib,..) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây vóng, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.
* CHĂM SÓC: Cần diệt cỏ để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng với hành, tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt, tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rảnh hành lá.
* PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH: Hành hay bị sâu xanh da láng tấn công suốt vụ, dòi đục lá sâu ăn tạp, bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím.
- Thường xuyên bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.
- Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng, gốc cúc tổng hợp. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá thì không thể dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác).
Việc chăm bón, sử dụng phân, thuốc trừ sâu, theo thời điểm, liều lượng, đòi hỏi người trồng hành phải nhiều kinh nghiệm. Nếu thiếu kinh nghiệm hoặc rơi vào thời điểm thời tiết bất lợi thì cây hành không nảy nở, không cao hoặc bị cháy đầu lá làm cho năng suất bị sụt giảm đáng kể. Theo kinh nghiệm ND, cứ một vụ hành thì trồng xen một vụ màu khác như cải bẹ dún, cải bắp, dưa leo, dưa hấu,… nhằm cắt mầm bệnh và cải tạo đất để có những vụ hành thắng lợi tiếp theo.
Theo Phòng NN Bình Tân thì hành lá ở xã Tân Bình nhiều năm qua đã góp mặt trên khắp thị trường Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh. Nông dân Tân Bình rất mong được các nhà khoa học và quản lý quan tâm tìm nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa giá trị cây hành mà tốn ít công sức, giúp cho cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Tân Bình giảm dần để đạt được tiêu chí xã NTM năm 2015. |
Theo http://vinhlong.mard.gov.vn |
|
|
|
|
|
|
NHẬN XÉT BÀI VIẾT |
|
|
|
|