|
|
Kết luận của Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Huân tại hội thảo chuyên đề “Bệnh vàng lá chín sớm hại lúa” - 23/10/2012 |
|
Ngày 18/10/2012 , tại TRUNG TÂM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÍA NAM, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Bệnh vàng lá chín sớm hại lúa”. Thành phần tham dự gồm các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TPHCM, Viện Lúa ĐBSCL; Hiệp Hội KHKT BVTV Việt Nam, Hội Bệnh cây Việt Nam và Hội Làm vườn Việt Nam; Chi Cục BVTV 22 tỉnh, thành phía Nam; cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương. |
|
Sau khi nghe báo cáo đánh giá chung và báo cáo của các địa phương, nghe 6 báo cáo chính và ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu, Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Huân đã có một số ý kiến kết luận như sau:
1. Về bệnh nguyên: Hầu hết các nhà khoa học các tỉnh phía Nam đều đồng ý với kết quả nghiên cứu của IRRI (Elazegui và ctv, 2004) về tác nhân gây bệnh vàng lá chín sớm là do nấm Gonatophrgamium sp. Bệnh chớm bộc phát và gia tăng rất nhanh ở giai đoạn 1990-1992, diện tích nhiễm bệnh tăng gấp 3 lần (chiếm 7,5% diện tích gieo trồng). Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, diện tích nhiễm đã giảm nhanh , tỉ lệ nhiễm bệnh chỉ chiếm 0,3- 4,4% tổng diện tích gieo trồng; cho thấy chúng ta đã quản lý bệnh hiệu quả, an toàn. Các kết quả nghiên cứu trong nước cũng đã xác định rõ gia tăng lượng phân đạm (N) sẽ làm gia tăng tỉ lệ bệnh và chỉ số bệnh rất nhiều và hiện chưa có giống lúa nào kháng với bệnh này.
2. Về mức thiệt hại năng suất: chỉ ghi nhận nếu bệnh xuất hiện vào giai đoạn sớm và phát triển nhanh thì có ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, chưa có ghi nhận nào về thiệt hại năng suất dù gia tăng mức độ phân đạm (N) làm tăng chỉ số bệnh.
3. Biện pháp phòng trừ:
- Áp dụng các biện pháp canh tác như IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới nước tiết kiệm cho các đối tượng sâu bệnh hại chính làm giảm nguy cơ thiệt hại về năng suất, đồng thời cũng sẽ làm giảm thiệt hại của các loại sâu, bệnh hại thứ yếu khác như bệnh vàng lá chín sớm. Chúng ta đã biệt rõ các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát sinh phát triển của bệnh, đó là: bón dư thừa phân đạm (N), mật độ sạ dày và ẩm độ cao dưới tán lá,.. nên rất dễ quản lý bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp canh tác đã đề cập trên nhằm giảm các điều kiện phát sinh phát triển của bệnh.
- Các hoạt chất phòng trừ bệnh là Benzimidazole, Carbendazim, Benomyl, Azoxystrobin, Difenoconazole, Propiconazole,..có hiệu quả cao. Thời điểm phòng trừ bệnh hiệu quả là phun trước khi trỗ 7-10 ngày và sau khi trỗ.
4. Những việc cần làm sau hội thảo:
- Về thông tin tuyên truyền: không nên chỉ tuyên truyền về bệnh vàng lá chín sớm mà cần đẩy mạnh tuyên truyền về biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm” (đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật). Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia in ấn phát hành số lượng lớn tài liệu hướng dẫn có bổ sung các lọai sâu, bệnh hại thứ yếu (vàng lá chín sớm) và nói rõ cách phòng ngừa các loại sâu, bệnh này theo hướng giảm sử dụng thuốc BVTV.
- Hệ thống lại các kết quả nghiên cứu về bệnh vàng lá chín sớm trong 20 năm và các kết quả trong hội thảo để xuất bản thành sách tham khảo về bệnh vàng lá chín sớm trên cây lúa; mời PGS.TS. Phạm Văn Kim chủ biên, Cục Bảo vệ thực vật phát hành.
- Với công tác quản lý thuốc trừ bệnh VLCS: trước mắt, không thể loại bỏ ngay các thuốc nhóm kháng sinh phòng trừ bệnh vàng lá chín sớm đã được đăng ký ttrong danh mục. Nhưng về lâu dài, Cục sẽ yêu cầu các doanh nghiệp có sản phẩm thuốc nhóm kháng sinh cần bổ sung, cập nhật thêm thông tin về hiệu quả phòng trừ bệnh vàng lá chín sớm ở các tỉnh phía Nam. Cục Bảo vệ thực vật cần tăng cường công tác quản lý thuốc ở hai lĩnh vực: quản lý sử dụng thuốc và quảng cáo thuốc.
5. Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT:
- Ngừng cấp đăng ký mới với đối tượng này vì hiện đã có 82 hoạt chất, 235 tên thương phẩm đã được đăng ký trừ bệnh VLCS.
- Giao Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ điều kiện phát sinh phát triển bệnh và đánh giá mức độ gây thiệt hại đến năng suất.
Văn phòng thông báo để các đơn vị biết, phối hợp và thực hiện.
|
Theo Cục BVTV |
|
|
|
|
|
|
|
|
|