|
|
Cà phê Việt Nam đang bị “chê” đắt - 30/06/2012 |
|
Nông dân trồng cà phê ở Việt Nam đang găm hàng dù lượng cà phê tồn kho là không nhiều, khiến giá bán cho các nhà xuất khẩu cao hơn cả giá cà phê giao sau ở thị trường London. Vì thế, nhiều khách hàng nhập khẩu cà phê đã chuyển sang mua cà phê ở Indonesia, hãng tin Reuters cho biết. |
|
Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ nhì thế giới sau Brazil, phải mất 4 tháng nữa mới bắt đầu vụ thu hoạch cà phê mới. Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê ở Indonesia - đối thủ về sản xuất cà phê robusta của Việt Nam - đang ở giai đoạn cao điểm, giúp các khách hàng nhập khẩu cà phê dễ dàng tìm kiếm nguồn hàng.
Theo số liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Việt Nam và Indoneisa hiện chiếm 1/5 tổng sản lượng cà phê toàn cầu.
“Chỉ có một số nhà xuất khẩu mua hàng trong nước để xuất đi, trong khi khách nước ngoài nhập cà phê đã chuyển sang nhập từ thị trường Indonesia”, một thương nhân ở Tp.HCM nói với hãng tin Reuters. “Hiện rất khó để bán cà phê Việt Nam vì giá trong nước còn cao hơn cả giá ở thị trường London”, thương nhân này cho biết.
Tính đến hôm thứ Ba vừa rồi, giá cà phê robusta ở Đắc Lắc đã giảm còn 41.000-42.000 đồng/kg (tương đương 1,98-2,02 USD/kg), từ mức 41.700-42.600 đồng/kg trong tuần trước đó, sau khi giá cà phê robusta giao tháng 9 tại thị trường London đóng cửa phiên đầu tuần giảm 2 USD còn 2.030 USD/tấn. Giá xuất khẩu cà phê robusta, FOB cảng Sài Gòn, vào khoảng 2.030-2.066 USD/tấn.
Một số công ty xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang chào bán cà phê robusta loại 2, với 5% hạt đen ở mức giá cao hơn 40 USD/tấn so với giá cà phê robusta giao tháng 9 tại thị trường London. Mức giá cao như vậy khiến việc ký kết các hợp đồng mới là rất khó khăn. Thứ Ba tuần trước, giá cà phê robusta của Việt Nam cao hơn giá cà phê ở London 20-30 USD/tấn, từ chỗ thấp hơn 40-50 USD/tấn cách đây 1 tháng.
Theo các thương lái, một số người trồng cà phê đang găm hàng có thể bán ra nếu giá đạt mức 43.000 đồng/kg. Hầu hết nông dân trồng cà phê ở Việt Nam thường bán một phần lượng cà phê thu hoạch được trước hoặc trong vụ thu hoạch diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau để trang trải chi phí.
Từ đầu năm 2011 tới nay, giá cà phê ở Việt Nam thường xuyên ở mức cao, giúp nông dân trồng cà phê có nhiều lựa chọn hơn để tránh việc phải bán cà phê non. Vào tháng 5 năm ngoái, giá cà phê đạt kỷ lục 51.900 kg ở Đắc Lắc. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 này của Việt Nam đạt khoảng 190.000 tấn, tương đương 3,17 triệu bao, từ mức 67.300 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cao hơn mức dự báo 100.000-110.000 tấn của các thương nhân.
Khối lượng xuất khẩu cà phê tăng mạnh khiến lượng cà phê tồn kho ở Việt Nam không còn là bao. Bởi vậy, theo các thương nhân, việc gom cà phê xuất khẩu trong những tuần tới sẽ trở nên khó khăn hơn. Vụ cà phê tiếp theo của Việt Nam sẽ được thu hoạch từ cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. |
An Huy |
Theo Vneconomy |
|
|
|
|
|
|
|
|
|