Sâu lạ tàn phá
Báo cáo nhanh của Phòng Kinh tế huyện Bình Minh (Vĩnh Long), toàn huyện có 1.931 ha bưởi năm roi, hiện đã có 1.895 ha bị thiệt hại do sâu đục trái lạ tấn công.
Ông Nguyễn Văn Bé, 66 tuổi, có 0,7 ha bưởi năm roi ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết, loại sâu mới xuất hiện khoảng 6 tháng trở lại, trái bưởi bị sâu đục phá, ban đầu xuất hiện vài đốm nhỏ li ti ngoài vỏ, vài ngày trái bưởi chảy mủ và khoảng 2 tuần sau thì vàng rồi rụng.
“Từ khi phát hiện trái bưởi bị ấu trùng sâu thâm nhập đến khi bưởi rụng thì chỉ khoảng một tháng”, ông Bé nói.
Gia đình ông Bé thu hoạch bưởi hơn 7 năm nay, nhờ biết cách chăm sóc nên mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng. Từ ngày bị sâu lạ tấn công, vườn của ông hầu như 100% cây bưởi bị sâu đục trái hoành hành, mặc dù ông đã có nhiều cách đối phó nhưng đều vô ích.
Ông Bé than thở: “Giờ thì phải chia 5/5 với sâu rồi, tình hình này, mùa tới không biết còn được trái nào mà ăn không nữa”.
Anh nông dân Dương Hoàng Thuấn, 37 tuổi, có vườn bưởi 2 ha tại ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa cũng cho hay: “Mùa này bưởi nhà tôi chắc giảm hơn 30% năng suất so với năm rồi, từ lúc phát hiện sâu đục trái tôi cũng tưới thuốc nhiều lắm chứ, từ khoảng đầu năm đến giờ mỗi tháng tôi đều mua thuốc tưới ít nhất là 3 lần, rồi mua bọc về chịu khó bọc trái nhưng đều không có kết quả gì nhiều”.
Ông Ngô Văn Sơn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Mỹ Hòa, cho biết toàn xã có 967 ha trồng bưởi năm roi, cho thu nhập cao từ nhiều năm trước nhưng năm nay, 100% đã bị sâu đục trái tấn công, gây thiệt hại 35- 48% năng suất. Cũng theo ông Sơn, địa phương đã mời cán bộ nhiều nơi về tập huấn cách phòng trị loại sâu này nhưng chưa có kết quả.
Lúng túng đối phó
Theo ông Trần Văn Sang, GĐ Cty Cổ phần Rau quả Bình Minh, do sâu bệnh tấn công nên năng suất và chất lượng trái bưởi năm roi đã giảm xuống rất nhiều. Hiện nay, chưa ai biết đó là sâu gì và cũng chưa có thuốc phòng trị, chủ yếu dựa vào cách thủ công tự nghĩ ra thôi.
Bà Phan Thị Bé, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh, cũng nói hiện chưa tìm ra loại thuốc đặc trị loài sâu lạ này. Bà kể, thông thường một ổ trứng trong một trái bưởi có 4 - 7 con sâu, từ trứng thành ấu trùng rồi thành nhộng đến sâu, thời gian sinh trưởng và trưởng thành của chúng là không quá 7 tuần là bưởi hư và rụng.
Huyện đã tổ chức 29 cuộc tập huấn, hội thảo chỉ trong vòng 5 tháng, để hướng dẫn người dân cách phòng ngừa sâu bệnh cho trái bưởi bằng các biện pháp như xịt thuốc định kỳ và đồng loạt, treo long não để xua đuổi sâu, và thu gom rồi đốt hết những trái bị sâu.
PGS-TS Nguyễn Văn Huỳnh, giảng viên môn côn trùng học của Trường Đại học Cần Thơ, cũng khuyến cáo nông dân nên gom hết trái bưởi bị sâu tấn công dùng lửa đốt, không nên để trái bị sâu bệnh dưới mương vườn vì làm thế sâu bệnh sẽ tăng lên gấp nhiều lần do ấu trùng loài sâu này gặp nước sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Còn Viện cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo dùng bao chuyên dùng của Viện này để bao trái bưởi nhằm chống sâu lạ tấn công. |